Quy định về những phương thức bảo vệ quyền dân sự
Thứ bảy - 17/08/2019 10:42
Hỏi: C là chủ sở hữu chiếc điện thoại Iphone 7 vừa mới được giới thiệu bán trên thị trường. B không đủ tiền mua nhưng rất thích chiếc điện thoại này nên mượn của C chiếc điện thoại để xem trong một ngày. Khi đang xem điện thoại thì bạn gái của B là E đến chơi. Do tính cách sĩ diện nên B nói đây là điện thoại của mình và tặng cho E chiếc điện thoại này. Sau đó, B nói với C là đã bị móc trộm điện thoại trên đường và hứa khi nào đủ tiền sẽ mua đền C chiếc điện thoại khác. Trong một lần đi sinh nhật, C nhận thấy chiếc điện thoại của mình đang do E dùng vì có một số đặc điểm của chiếc điện thoại chỉ mình C biết. Hai bên cãi vã to tiếng. Trong cơn nóng giận, E vứt chiếc điện thoại thẳng vào tường và chiếc điện thoại bị vỡ, hỏng nặng, không sử dụng được. C đã phát hiện ra sự thật và yêu cầu B phải mua đền cho mình chiếc Iphone 7 khác
Trả lời:.
Điều 11 BLDS năm 2015 quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự. Theo đó, trong tình huống nêu trên, C đã bị xâm phạm quyền sở hữu đối với tài sản là chiếc điện thoại của mình. Do đó, C có quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự. Trước hết, C có quyền tự bảo vệ quyền dân sự, yêu cầu E (người đang chiếm giữ chiếc điện thoại) trả lại điện thoại cho mình. C có quyền yêu cầu B bồi thường thiệt hại cho chiếc điện thoại mà B đã mượn, không trả lại và nay đã bị hỏng.
Trường hợp B không thực hiện trách nhiệm của mình, C có quyền khởi kiện yêu cầu B bồi thường thiệt hại do đã xác lập hợp đồng mượn tài sản với mình nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản, đã có hành vi chuyển giao trái pháp luật tài sản cho chủ thể khác và làm hỏng tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của C.