Câu hỏi: Gần đây, giữa tôi và chồng tôi thường xuyên cãi vã, to tiếng với nhau, có khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhau nên không khí gia đình rất nặng nề. Có khi cả nghĩ, tôi muốn ly hôn chồng, nhưng tôi vẫn còn yêu chồng, lại thương các con. Mấy hôm trước tôi đi sinh hoạt chi hội phụ nữ tổ dân phố thì được mấy chị khuyên nên hòa giải mâu thuẫn vợ chồng nhưng tôi chưa rõ có những hình thức hòa giải nào?
Trả lời:
Mâu thuẫn giữa vợ chồng anh/chị khá nghiêm trọng, có hành vi bạo lực gia đình (xúc phạm danh dự, nhân phẩm). Do vậy, theo Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, chị có thể đề nghị hòa giải theo các hình thức được quy định tại các điều, từ Điều 13 đến Điều 15 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 như sau:
Trong trường hợp áp dụng hình thức hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do gia đình, dòng họ tiến hành: Gia đình có trách nhiệm kịp thời phát hiện và hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Trường hợp gia đình không hòa giải được hoặc có yêu cầu của thành viên gia đình thì người đứng đầu hoặc người có uy tín trong dòng họ chủ động hòa giải hoặc mời người có uy tín trong cộng đồng dân cư hòa giải.
Trong trường hợp hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do cơ quan, tổ chức tiến hành: Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức mình với thành viên gia đình họ khi có yêu cầu của thành viên gia đình; trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để tiến hành hòa giải.
Trong trường hợp áp dụng hình thức hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành: Tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.