Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình?

Thứ tư - 11/09/2019 15:57
Hỏi: Anh X có hành vi đánh đập vợ anh là chị Y rất tàn nhẫn, gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của chị. Chị Y có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm anh X tiếp xúc với chị được không? Nếu có thì áp dụng biện pháp này như thế nào?
Trả lời:
 Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, hành vi: “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng” là hành vi bị luật nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, “Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
+ Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
+ Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”.
Đối chiếu với quy định trên thì hành vi của anh X đánh đập vợ rất tàn nhẫn, gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của vợ đã vi phạm Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Chị Y có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với anh X. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho anh X, chị Y, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của chị Y và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Ngoài ra, để đảm bảo tính cấp thiết, kịp thời chị Y có thể làm đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Chậm nhất 12 giờ, kể từ khi nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho anh X, chị Y, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của chị Y.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây