Quyền xác định dân tộc?
Thứ năm - 08/08/2019 09:37
Câu hỏi: A là người Hà Nội đi tình nguyện mùa hè và gặp B là người dân tộc Hà Nhì. Thấy B xinh xắn và dễ thương, lại được học hành tử tế, A đem lòng yêu mến và xin phép gia đình được cưới B. Một năm sau, B sinh một bé trai kháu khỉnh. A đi đăng ký khai sinh cho con và dự định sẽ đăng ký cho con thuộc dân tộc Kinh nhưng B phản đối. B cho rằng theo tập quán tại quê hương của B thì con đầu lòng phải xác định dân tộc theo dân tộc của mẹ. A không đồng ý vì cho rằng như vậy sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ. Hai vợ chồng không thể thống nhất trong việc xác định dân tộc của đứa trẻ trong giấy khai sinh là như thế nào.
Trả lời:
Điều 29 BLDS năm 2015 quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc. Theo đó, dân tộc của cá nhân được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Nếu hai người này không cùng dân tộc thì cần sự thỏa thuận của cha mẹ, hoặc theo tập quán nếu không thỏa thuận được. Tình huống nêu trên, A và B là hai người thuộc hai dân tộc khác nhau và không thể thống nhất về xác định dân tộc cho con của họ. Xét trên tập quán của hai dân tộc cũng không thể xác định được cho đứa trẻ. Do đó, theo Điều 29, dân tộc của đứa trẻ được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn. Nói cách khác, trường hợp này, dân tộc của đứa trẻ được xác định là theo dân tộc của mẹ.