Mục đích của hợp đồng đặt cọc?
Thứ sáu - 09/08/2019 16:16
Hỏi: Anh Thông và chị Lý có thỏa thuận mua bán căn hộ chung cư cao cấp trị giá 4 tỷ đồng. Trước khi kí kết hợp đồng mua bán, hai người thỏa thuận ký hợp đồng đặt cọc để ràng buộc chị việc chị Lý phải bán nhà cho anh Thông và anh Thông phải đến ký kết hợp đồng mua bán nhà theo đúng thời điểm các bên thỏa thuận. Theo đó, anh Thông đặt cọc 200 triệu đồng để bảo đảm sẽ giao kết hợp đồng mua bán với chị Lý thời hạn 20 ngày kể từ khi ký hợp đồng đặt cọc. Sau 20 ngày hai anh, chị tiến hành ký hợp đồng mua bán theo thủ tục luật định. Trong đó, thể hiện rõ, anh Thông sẽ thanh toán cho chị Lý thành hai đợt (đợt 1: 2 tỷ; đợt 2: số tiền còn lại). Sau khi thanh toán đợt 1 như thỏa thuận, anh Thông không còn khả năng thanh toán đợt tiếp theo nên đã vi phạm hợp đồng. Chị Lý có quyền phạt cọc anh Thông số tiền 200 triệu đồng không? Tại sao?
Trả lời:
Chị Lý không có quyền phạt cọc anh Thông số tiền 200 triệu đồng. Vì theo quy định tại Điều 328 BLDS năm 2015, đặt cọc có thể để đảm bảo cho 3 trường hợp sau: Một là, giao kết hợp đồng; hai là, thực hiện hợp đồng; ba là, cả giao kết và thực hiện hợp đồng. Như vậy, với tình huống trên, anh Thông và chị Lý chỉ thỏa thuận dừng lại ở việc đặt cọc để giao kết hợp đồng mua bán căn hộ, nên khi đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán theo thủ tục luật định anh Thông không vi phạm hợp đồng đặt cọc và không phải chịu phạt cọc.
Do không có khả năng thanh toán đợt 2 như thỏa thuận, anh Thông và chị Lý có thể thỏa thuận với nhau về việc gia hạn thời gian thanh toán để anh Thông tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoặc: Hủy bỏ hợp đồng mua bán và giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ theo quy định của pháp luật (Theo điều 425, BLDS năm 2015).