Cho vay nặng lãi thì mức lãi suất bao nhiêu?

Thứ năm - 20/08/2020 10:43
Câu hỏi: Vì công việc tôi có vay của 1 anh bạn 50 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận là 10 ngày trả 60 triệu. Sau 10 ngày tôi mới có 30 triệu trả và xin khất anh ấy thu xếp trả sớm. Và sau 20 ngày anh ấy nói số tiền của tôi vay cả lãi lên đến 70 triệu và bắt tôi ký giấy vay 70 triệu của một người khác. Người này nói 10 ngày trả lãi 1 lần và mỗi lần họ đòi 21 triệu tiền lãi. Trong trường hợp này, có được xem là cho vay nặng lãi hay không? Có thể khởi kiện trong trường này hay không? Nếu được thì khởi kiện ở đâu?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 thì lãi suất cho vay được quy định như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Lãi suất cho vay các bên có thể thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/ năm. Tức là các bên chỉ có thể áp dụng mức lãi suất tối đa đối với khoản tiền bạn vay là 1,6665%/tháng. Trường hợp các bên thỏa thuận mức cho vay vượt quá mức lãi suất mà pháp luật cho phép thì khi có tranh chấp xảy ra, pháp luật chỉ bảo vệ phần lãi suất cho vay trong phạm vi pháp luật cho phép (tức bạn chỉ phải trả lãi suất là 1,666%/tháng).

Theo thông tin mà bạn đã cung cấp thì bạn có vay 50 triệu, 10 ngày tính lãi 10 triệu và sau 10 ngày phải trả tất cả 60 triệu, tức là 1 ngày bạn phải trả tiền lãi là 1 triệu đồng tức một tháng trả 30 triệu đồng tiền lãi.

Như vậy, lãi suất cho vay ở đây là 60%/tháng gấp 45 lần so với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định.

Do đó người mà bạn cho vay có dấu hiệu cho vay nặng theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 và Điểm i Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy trường hợp của bạn là người cho vay có thể có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về tội cho vay nặng lãi, mức lãi suất gấp hơn gần 45 lần so với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định. Trường hợp này, bạn có thể làm đơn trình báo với cơ quan công an để yêu cầu giải quyết và đảm bảo quyền lợi.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây