Trả lời:
Nội dung bạn hỏi được quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật bình đẳng giới và được cụ thể hóa bởi Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, theo đó:
Về đối tượng được hỗ trợ
Phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sinh một hoặc hai con;
- Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;
- Đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;
- Sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;
- Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;
- Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ);
- Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;
- Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Về định mức hỗ trợ, thời điểm hỗ trợ và phương thức hỗ trợ
- Định mức hỗ trợ: Hai triệu đồng/người.
- Thời điểm hỗ trợ: Tính từ tháng đầu sau khi sinh con thuộc đối tượng được hỗ trợ.
- Phương thức hỗ trợ: Bằng tiền, cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.
Ngoài ra, ngày
15/4/2016, Liên bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương bình và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện Nghị định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi kinh phí hỗ trợ; nguồn kinh phí; lập dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách Nhà nước; chế độ báo cáo; trách nhiệm của các cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số.