Nộp đơn ly hôn ở Tòa án nào ?
- Thứ sáu - 18/08/2017 07:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chào luật sư! Em đăng ký kết hôn vào tháng 8/2015 tại UBND phường 7, Quận Bình Thạnh. Em có hộ khẩu tại TPHCM, chồng em hộ khẩu thường trú tại Tháp Chàm – Phan Rang.Hiện tại vợ chồng em đang ly thân hơn 1 tháng nay, chồng em dọn ra riêng ở tại Quận Tân Bình, và cũng không đăng ký tạm trú tại địa phương.
Giờ em muốn đơn phương ly hôn em phải làm sao ạ? Em có hỏi qua bạn bè được biết, với trường hơp của em như vậy em bắt buộc phải về Phan Rang nộp hồ sơ ly hôn đúng không ạ? Nhưng hiện tại em đang mang thai 21 tuần (hơn 5 tháng). Việc đi lại với em rất khó khăn, xin hỏi Luật sư có cách nào giúp em giải quyết nhanh vấn đề ly hôn này được không ạ. Vợ chồng em không có tài sản chung, không có con chung.
Giờ em muốn đơn phương ly hôn em phải làm sao ạ? Em có hỏi qua bạn bè được biết, với trường hơp của em như vậy em bắt buộc phải về Phan Rang nộp hồ sơ ly hôn đúng không ạ? Nhưng hiện tại em đang mang thai 21 tuần (hơn 5 tháng). Việc đi lại với em rất khó khăn, xin hỏi Luật sư có cách nào giúp em giải quyết nhanh vấn đề ly hôn này được không ạ. Vợ chồng em không có tài sản chung, không có con chung.
Trả lời
Về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ đối với trường hợp đơn phương ly hôn của bạn được quy định tại khoản 1 điều 39 bộ luật tố tụng dân sự 2015:
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
…”
Theo đó trong trường hợp người chồng không đồng ý hợp tác với bạn về vấn đề chọn tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn (có thể chọn TAND quận Bình Thạnh), thì bạn chỉ có thể nộp đơn ly hôn tại tòa án nhân dân quận/ huyện nơi người chồng cư trú hoặc làm việc.
Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định cụ thể xác định nơi cư trú là nơi thường trú hay tạm trú. Tuy nhiên theo quy định tại điều 12 luật cư trú, nơi cư trú của công dân có thể là nơi thường trú – có đăng ký thường trú, hoặc nơi tạm trú – có đăng ký tạm trú, hoặc là nơi người đó thực tế đang sinh sống.
“Điều 12. Nơi cư trú của công dân
Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.”
Tuy nhiên việc xác định đâu là nơi thực tế sinh sống của bị đơn khá khó khăn do không có sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú. Do vậy trong trường hợp của bạn. Bạn chỉ có thể nộp đơn khởi kiện ly hôn tại nơi thường trú của người chồng, hoặc nơi người chồng làm việc.
Ngoài ra về vấn đề ly hôn của bạn, hai vợ chồng bạn không có tài sản chung nhưng có con chung – con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân cũng được xác định là con chung của vợ chồng (khoản 1 điều 88 luật hôn nhân và gia đình); việc ly hôn giữa bạn và chồng có được giải quyết nhanh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc hai bên thống nhất giải quyết được với nhau 3 vấn đề: mối quan hệ nhân thân (đồng ý ly hôn hay không?); phân chia tài sản chung?; và ai sẽ là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn? – Đối với trường hợp của bạn, hai vợ chồng không có tài sản chung, con của bạn chưa ra đời, do vậy theo khoản 1 điều 81 luật hôn nhân và gia đình, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ này không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Như vậy nếu trong buổi hòa giải tại tòa, bạn và chồng thỏa thuận được vấn đề nuôi con và đồng ý ly hôn thì tòa án sẽ lập biên bản hòa giải đoàn tụ không thành và sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Lúc này việc giải quyết ly hôn giữa bạn và chồng đã hoàn thành.