Trung Tâm Pháp Luật Nhà Đất - Trung Tâm Nhà Đất Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam

https://phapluatnhadat.com


Những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới?

Có những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nào? Có những nội dung gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật bình đẳng giới 2006 thì: Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm (Điều 19):
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;
b) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;
c) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;
d) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;
đ) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
e) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực cụ thể như sau:
- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm (khoản 5 Điều 11)
+ Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
+ Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm (khoản 2 Điều 12):
+ Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
+ Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm (khoản 3 Điều 13):
+ Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
+ Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm (khoản 5 Điều 14):
+ Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
+ Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây