Trung Tâm Pháp Luật Nhà Đất - Trung Tâm Nhà Đất Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam

https://phapluatnhadat.com


Trách nhiệm nuôi dưỡng người bị tâm thần?

Hỏi: Chị M kết hôn với anh H được 10 năm nay. Do chịu nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống và gia đình, đặc biệt là sau khi con gái chị bị tại nạn qua đời, chị M đã phát bệnh tâm thần. Biết chị M bị bệnh, gia đình anh H đã xua đuổi nên bố mẹ đẻ chị M đã đón chị về ở. Xin hỏi, trách nhiệm phải nuôi dưỡng chị M trong trường hợp này thuộc về ai?
 Trả lời:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 thì: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.Như vậy, chị M bị coi là mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự khi và chỉ khi có quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ hai, về việc xác định người có trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng người bị mất năng lực hành vi dân sự. Chị M bị bệnh tâm thần sau khi đã kết hôn. Vì vậy, việc xác định người giám hộ trong trường hợp này cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự. Điều 53 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Theo quy định nêu trên, trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ đương nhiên. Chỉ khi vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ. Như vậy, trường hợp này thì anh H - chồng chị M là người có trách nhiệm phải trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc chị M.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây