Trung Tâm Pháp Luật Nhà Đất - Trung Tâm Nhà Đất Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam

https://phapluatnhadat.com


Quyền sống, có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng?

Hỏi: Trên đường đi giao hàng cho khách hàng, anh Nguyễn Đức C gặp tai nạn giao thông dẫn đến bất tỉnh và mất rất nhiều máu. Vì cho rằng anh C đã đi sai làn đường, mình không có lỗi trong việc gây tai nạn cho anh C nên người lái taxi đã không đưa anh C đến bệnh viện mà giữ nguyên hiện trường để đợi người nhà anh C đến bồi thường thiệt hại. Hãy giải quyết tình huống trong các trường hợp sau đây:
1. Do không được đưa đến bệnh viện kịp thời nên anh C đã tử vong;
2. Anh C được người đi đường đưa đến bệnh viện trong tình trạng cánh tay bị gãy và nát toàn bộ phần mềm. Khi siêu âm, hình ảnh siêu âm cho thấy xương cánh tay của C bị vỡ và dập rất nặng. Các bác sĩ hội chẩn và đưa ra kết luận phải mổ gấp cho anh C.
3. Anh C trong tình trạng rất nguy kịch do có máu tụ trong não, cần phẫu thuật nhưng người nhà của anh C ở quá xa nên chưa thể đến bệnh viện kịp thời.
Trả lời:
Điều 33 Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền sống, có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, thân thể. Khi một người phát hiện người bị tai nạn hoặc bị bệnh tật mà dẫn đến tình trạng tính mạng bị đe dọa thì cần có trách nhiệm đưa ngay người đó đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được cứu chữa một cách kịp thời. Nếu người phát hiện không có khả năng hay điều kiện để thực hiện việc đưa người bị tai nạn đi cấp cứu thì cần yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có điều kiện cần thiết đưa ngay người đang bị đe dọa về tính mạng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chăm sóc kịp thời. Đây được dự liệu là một trong những trách nhiệm của cá nhân, công dân đối với cá nhâ, công dân khác trong xã hội.
- Trong trường hợp này, người lái xe taxi dù thấy tình thế rất nguy hiểm, rất cấp bách, nhưng đã không thực hiện trách nhiệm của mình, dẫn đến anh C bị tử vong. Hành vi này của người lái taxi có thể bị xử lý hình sự về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132 BLHS năm 2015).
- Trong trường hợp anh C cần phải mổ gấp theo kết luận hội chẩn của các bác sĩ thì về nguyên tắc trước khi thực hiện việc này cần phải hỏi ý kiến và có sự đồng ý của anh C. Do mất quá nhiều máu và anh C đã bất tỉnh nên không thể thực hiện được việc lấy ý kiến đồng ý của anh C, khi đó để thực hiện được ca phẫu thuật thì bệnh viện phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ hoặc con đã thành niên của anh C. Nếu không được sự đồng ý của những người này thì ca mổ sẽ không được tiến hành. (Khoản 3 điều 33 BLDS 2015)
- Trong trường hợp anh C đang lâm vào tình trạng rất nguy kịch, máu tụ trong não có thể gây đe dọa đến tính mạng mà người nhà anh C chưa thể đến bệnh viện kịp thời để kí vào biên bản cam đoan thì để bảo đảm an toàn cho tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật ngay nhưng cần phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở y tế nơi thực hiện việc phẫu thuật.(Khoản 3 điều 33 BLDS 2015)
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây