Trung Tâm Pháp Luật Nhà Đất - Trung Tâm Nhà Đất Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam

https://phapluatnhadat.com


Có được mua quyền đòi nợ không ?

Tôi có cho người khác vay nợ 20 triệu, hiện tôi đang muốn mua một chiếc xe máy nhưng không đủ tiền mặt. Vậy tôi có thể bán quyền đòi nợ 20 triệu kia cho chủ chiếc xe máy để thanh toán tiền mua xe được không ạ?
Tình huống của bạn có đề cập đến vấn đề quyền đòi nợ, quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản. Do vậy, các vấn đề liên quan đến việc mua bán quyền đòi nợ được quy định tại Điều 450 Bộ luật Dân sự 2015 về Mua bán quyền tài sản như sau:

“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.

2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.

3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.”

Quyền tài sản là một trong bốn loại tài sản đã được quy định trong BLDS. Tuy nhiên, quyền tài sản không tồn tại một cách hữu hình như vật và tiền, mà sự tồn tại của quyền tài sản chỉ được thể hiện thông qua các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu quyền tài sản đó hoặc sự thừa nhận của các bên trong quan hệ nghĩa vụ liên quan đến quyền tài sản đó. Trên thực tế, việc chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản từ bên bán sang cho bên mua thực chất chỉ là chuyển giao các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với các quyền tài sản của bên bán. Bên bán có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu quyền tài sản cho bên mua nếu pháp luật có quy định.

Nếu quyền tài sản được mua bán là quyền đòi nợ thì sẽ xảy ra hai trường hợp: (i) Nếu bên bán quyền đòi nợ cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán trở thành bên bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của người mắc nợ. Đồng thời, cả bên bán quyền và người mắc nợ sẽ phải liên đới trong việc thanh toán cho bên mua, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả; (ii) Nếu bên bán quyền đòi nợ không cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán không phải chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của người mắc nợ.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản cho bên mua:

– Nếu quyền tài sản thuộc loại quyền không phải đăng ký quyền sở hữu (ví dụ như quyền đòi nợ) thì thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thòi điểm bên mua nhận được các giấy tờ chứng minh .quyền sở hữu của bên bán. Đối với các trường hợp không có giấy tờ chứng minh quyền (ví dụ như hợp đồng vay được xác lập dưới hình thức miệng) thì thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản cho bên mua là thời điểm bên có nghĩa vụ thừa phận nghĩa vụ đối với bên bán quyền.

– Nếu quyền tài sản thuộc loại quyền phải đăng ký (ví dụ như quyền sử dụng đất) thì thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản cho bên mua chính là thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền cho bên mua.

Như vậy, theo quy định trên thì nếu bạn là chủ nợ của 20 triệu đồng, có giấy tờ chứng minh quyền đòi nợ (hợp đồng/giấy vay tiền) thì bạn có quyền bán quyền đòi nợ này cho chủ chiếc xe máy để thay cho việc thanh toán. Khi bán quyền đòi nợ thì bạn phải giao các giấy tờ về quyền đòi nợ cho bên mua. Hai bên có thể thỏa thuận về trách nhiệm cam kết của bạn về khả năng thanh toán của bên mắc nợ.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây