Trung Tâm Pháp Luật Nhà Đất - Trung Tâm Nhà Đất Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam

https://phapluatnhadat.com


Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai?

Hỏi: Nhà tôi và nhà bên cạnh có tranh chấp về việc quyền sử dụng lối đi chung. Ngày 05/7, vợ chồng tôi đã làm đơn khiếu nại gửi đến Ủy ban nhân dân xã thì bị trả lại đơn vì chưa tiến hành hòa giải ở cơ sở. Xin hỏi, việc trả lại đơn trên có đúng không?Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như thế nào?
 Trả lời:
Tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở là tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
Cũng tại khoản 1 Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở quy định khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác.
Căn cứ vào quy định trên của pháp luật cho thấy, các bên mâu thuẫn, tranh chấp đất đai không bị bắt buộc phải lựa chọn phương thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai trước khi gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Nhà nước chỉ khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở, còn hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã mới là thủ tục bắt buộc. Do đó, việc Ủy ban nhân dân xã trả lại đơn của anh/chị do chưa tiến hành hòa giải ở cơ sở là chưa đúng quy định của pháp luật.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây